Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều người bứt rứt, mệt mỏi. Đặc biệt, nhiều trẻ em và người già đổ bệnh do giải nhiệt không đúng cách.
Nắng nóng, nhiều trẻ bệnh do giải nhiệt "quá lố"
Ảnh: Ngọc Dương
Trẻ bị viêm hô hấp
Từ đầu tháng 4.2019 đến nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận từ 5.000-6.000 bệnh nhi đến khám bệnh. Trong đó, nhiều nhất là bệnh viêm đường hô hấp (khoảng 20-30%) và các bệnh về tiêu hóa (10-20%).
Tại khu khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1, từ 6 giờ sáng đã đông nghịt phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Ai cũng tranh thủ đi sớm để trời đỡ nắng, bớt nóng. Ngồi chờ khám, phụ huynh dùng đủ cách giải nhiệt cho con bằng quạt, lau mồ hôi, liên tục cho con uống nước.
“Ở nhà phải mở máy lạnh suốt. Vừa tắt máy lạnh chút xíu là nó trở mình, quấy khóc, không ngủ được, chỉ lên đòi bật máy lạnh. Nó ho mấy ngày nay, hôm qua giờ sốt”, chị Ngô Bảo Ngân (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) đưa con trai 2 tuổi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thở dài.
Trong khi đó, nhiều trẻ được đưa đến bệnh viện khám với triệu chứng tiêu chảy; các bé nhỏ hơn, sơ sinh thì rôm sảy, bứt rứt, quấy khóc khó ngủ.
“Nắng nóng như vầy người lớn như tui còn muốn bệnh chứ huống chi tụi nhỏ”, anh Bùi Anh Tuấn đang chờ con khám nói.
Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, dưới tác động của nắng nóng, sức đề kháng của trẻ em giảm, dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết thêm: Nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn phát triển và tấn công trẻ. Đây cũng là thời điểm của nhiều bệnh nhiễm siêu vi. Mùa này, trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản; các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp, viêm ruột…
Bên cạnh đó, các bệnh lý về da như nhiễm trùng da, viêm da, rôm sảy cũng tăng.
Các bác sĩ cảnh báo, trời nắng nóng nhưng trẻ lại bệnh do nhiễm… lạnh vì giải nhiệt "quá lố", như: uống nước lạnh thường xuyên, vừa để quạt mạnh nhất, vừa để máy lạnh nhiệt độ quá thấp, tắm nhiều lần trong ngày hay ngâm mình quá lâu khi tắm, đi bơi. Chênh lệch nhiệt độ quá nhiều khi ở ngoài trời và trong nhà (dùng quạt, máy lạnh) dễ dẫn đến bệnh ở trẻ. Bên cạnh đó, thời tiết nóng cũng dễ gây hư hỏng thức ăn, đồ uống. Ăn uống không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tiêu hóa.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần sử dụng máy lạnh, quạt máy ở chế độ hợp lý; giữ vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh nhà cửa để phòng ngừa các mầm bệnh. Đồng thời, thường xuyên cho trẻ uống nước để tránh cơ thể bị mất nước, đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung thêm trái cây tươi để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Người già coi chừng huyết áp, đột quỵ
Tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), những ngày qua, số lượng bệnh nhân trên 60 tuổi đến khám về bệnh huyết áp và rối loạn giấc ngủ cũng tăng 15%. Ngoài ra, các bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, da liễu được bệnh viện ghi nhận tăng từ 7-10% so với tháng trước.
Bác sĩ Hoàng Mạnh, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài làm gia tăng các bệnh tăng huyết áp, tim mạch, sốc nhiệt. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm cảnh báo nguy cơ đột quỵ có xu hướng tăng
Người cao tuổi có các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch càng dễ đổ bệnh vì sức đề kháng yếu.
Bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi không nên ra ngoài trời trong những giờ cao điểm nắng nóng (10-16 giờ). Cần chú ý không lạm dụng máy lạnh, quạt phun sương, tắm nhiều lần trong ngày hay uống nước đá lạnh. Đặc biệt, bệnh nhân tim mạch, huyết áp phải uống thuốc đều đặn, theo dõi huyết áp thường xuyên.
Nguồn: thanhnien.vn